Lịch sử bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình giai đoạn 1 [1903 -1945]



Lịch sử bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình giai đoạn 1 [1903 -1945]

1.1. Sự ra đời của Nhà thương Thái Bình

Trước năm 1898, tỉnh Thái Bình chưa có một cơ sở y tế nào nên việc chăm sóc sức khỏe của người dân trông cậy vào các thầy thuốc nam, thuốc bắc. Người mê tín dị đoan đi cúng lễ để chữa bệnh; những người nghèo khổ, không có tiền chạy chữa, thuốc thang thì phó mặc sức khỏe cho số phận.
Sau khi thành lập tỉnh (ngày 21-3-1890), được sự giúp đỡ của công sứ Degoys mới về nhận chức ở tỉnh Thái Bình, một số thân hào giàu có đã đứng ra thành lập một ban quyên góp tiền xây dựng cơ sở khám chữa bệnh tại trung tâm tỉnh lỵ. Cơ sở khám chữa bệnh được hoàn thành vào tháng 12-1898, giao cho các bà phước dòng Xanh-pôn-đờ-xác-tơ-rơ (Saint paul de chartres) trông coi, có sự giúp đỡ của một sỹ quan quân đội thuộc địa.
Trong 5 năm hoạt động, cơ sở khám chữa bệnh ở trung tâm tỉnh lỵ dần dần thu hút được đông đảo nhân dân đến khám bệnh, xin thuốc. Ngày 17-12-1903 toàn quyền Đông Dương đã ký quyết định công nhận cơ sở khám chữa bệnh tại tỉnh lỵ Thái Bình đổi tên thành Nhà thương Thái Bình và giao cho bác sỹ hạng nhất Sarrailhe, một sỹ quan quân đội thuộc địa Pháp trông nom. Hàng năm, bác sỹ hạng nhất Sarrailhe được hưởng khoản trợ cấp đi đường 500 Francs do ngân sách của chính quyền Thái Bình trả.

1.2. Hoạt động của Nhà thương Thái Bình trong những năm đầu thành lập

Để mở rộng quy mô hoạt động của Nhà thương, ngày 09-01-1904 Công sứ Pháp tại Thái Bình ông Thureau đã có văn bản số 1595 gửi Chánh sứ Bắc Kỳ xin xây dựng  hai tòa nhà A và B cho bệnh nhân. Ngày 15-4-1904, Chánh sứ Bắc Kỳ đã ký quyết định thành lập Ban kiến thiết Nhà thương Thái Bình gồm ba người:
-  Ông Laugon, kỹ sư xây dựng của sở công chính Nam Định, Trưởng ban.
-  Ông Brault, kỹ sư xây dựng của Sở công chính Thái Bình, chỉ đạo thi công.
-  Ông Lacombe, thanh tra của Sở công chính Thái Bình phụ trách về tài sản.
Ngày 09-7-1904 công sứ Pháp tại Thái Bình ông Thureau có văn bản gửi ngài chánh sứ Bắc Kỳ tại Hà Nôị đề xuất xin xây dựng các công trình phụ cận trong bệnh viện bao gồm: Phòng nấu nướng, văn thư, xưởng giặt, phòng chứa củi và phòng cho những người phục vụ, xây dựng các bức tường bao hàng rào sắt ở phía mặt đường. 
Ngày 21-9-1904, Công sứ Thái Bình Thureau gửi văn bản số 2110 đệ trình lên Chánh sứ Bắc Kỳ xin xây dựng thêm các hạng mục công trình gồm:
1. Khu nhà mặt tiền trong đó bố trí phòng khám, phòng tiểu phẫu, phòng mổ, phòng hấp sấy và kho chứa dụng cụ.
2. Một khu nhà cách ly (cho các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, phòng khử khuẩn).
3. Một ngôi nhà để quản đốc điều hành hoạt động.
Các văn bản trên đã được chánh sứ Bắc Kỳ chấp thuận.
Ngày 9-11-1904, Công sứ Pháp tại Thái Bình ông Thureau lại có văn bản số 2156 đệ trình xin xây dựng khu nhà ở cho bác sỹ quản đốc Charrailhe. Trong điều kiện ngân sách của tỉnh có khó khăn, ông Thureau công sứ Thái Bình đã đề xuất với Chánh sứ Bắc Kỳ, ngoài vốn ngân sách sẽ vận động các nhà hảo tâm đóng góp tiền và đề nghị Chính phủ phong chức cho những người đóng góp xây dựng Nhà thương tỉnh Thái Bình.
Địa điểm của Nhà thương tỉnh lỵ Thái Bình được xây dựng trước cửa Đền Mẫu ở phố Duyn-pích-kê (nay là khu tập thể 4 tầng, đường Lê Lợi, phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình) với tổng diện tích 22.800m2 .
Bao gồm  các hạng mục công trình:
-         Nhà gác cổng.
-         Một nhà tầng là nơi ở của bác sỹ quản đốc nhà thương.
-         Một nhà hai tầng, tầng trên là nơiở của các y sỹ Đông Dương. Tầng dưới là nơi làm việc của bác sỹ quản đốc nhà thương, phòng dược, phòng xét nghiệm.
-         Một nhà cấp bốn xây lợp ngói có 04 gian, trong đó 02 gian dành cho y tá trưởng, 01 gian làm kho để quần áo, chăn màn, chiếu cho bệnh nhân, 01 gian để thuốc.
-         Một nhà của các bà đỡ.
-         Một nhà khám bệnh và phát thuốc.
-         Một nhà ngói cấp bốn có 06 gian với 30 giường bệnh: Một gian dành để chữa bệnh cho lính khố, ba gian dành cho bệnh nhân là nhân dân.
-         Hai nhà cấp bốn xây lợp ngói với 27 giường (một nhà 12 giường và một nhà 15 giường) dành cho bệnh nhân nam, sau này là phòng bệnh nhân phải trả tiền.
-         Một nhà cấp bốn xây lợp ngói có 30 giường dành cho bệnh nhân nữ.
-         Một nhà cấp bốn xây lợp ngói có 6 phòng với 18 giường dành cho sản phụ.
-         Một nhà với 22 giường để tiếp nhận các bệnh truyền nhiễm như: bệnh hủi, bệnh thổ tả (cách Nhà thương 500m).
-         Một nhà xác xây lợp ngói có 04 phòng.
Sau khi Nhà thương tỉnh lỵ hoàn thành việc xây dựng và đi vào hoạt động, nhà thương có tất cả 127 giường.
Năm 1907, trên tờ báo Tin nhanh thuộc địa số 20 ra ngày 30/10/1907 tại Paris của nước Pháp đã đăng tải hình ảnh Nhà thương Thái Bình. Điều đó cho thấy, mặc dù quy mô còn nhỏ nhưng Nhà thương Thái Bình cũng được xem là một Nhà thương kiểu mẫu của các nước Đông Dương lúc bấy giờ.

Hình ảnh Nhà thương tỉnh Thái Bình in trên tờ Tin nhanh Thuộc địa của Pháp năm 1907(nay là khu nhà 4 tầng thuộc phường Lê Hồng Phong, phía trước là đường Lê Lợi, phía sau là đường Trần Hưng Đạo, phía Tây Nam là đường Lê Quý Đôn, phía đông bắc là đường Đào Nguyên Phổ)
Năm 1911 Sở y tế Bắc Kỳ đã xếp nhà thương tỉnh lỵ Thái Bình là một trong ba nhà thương thuộc hạng nhất của
Bắc Kỳ gồm Thái Bình, Nam Định, Hải  Dương.
Sau khi hoàn thành việc xây dựng, Nhà thương được tăng cường đầu tư các trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh. Khi mua sắm các thiết bị, các thuốc chữa bệnh phục vụ cho công việc khám chữa bệnh, công sứ Pháp tại Thái Bình đã làm tờ trình gửi Tổng giám đốc Sở hải quan và thuế vụ Đông Dương xin miễn thuế hải quan cho các dược phẩm tại Nhà thương, kể cả mặt hàng cồn 90o cũng được miễn thuế.
Về tổ chức bộ máy: cán bộ viên chức Nhà thương được bố trí như sau:
-         Một quản đốc Nhà thương là bác sỹ. Một dược sỹ Dông Dương. Hai y sỹ người Việt Nam; Ba cô đỡ ; 12-13 y tá; 10-15 người phục vụ (cu ly). Một khán hộ người Pháp (trông coi bệnh viện).
Ngoài số nhân viên của Nhà thương, từ những năm đầu thành lập còn có đội ngũ các bà xơ thuộc dòng Xanh-pôn-xác-tơ-ri tham gia phục vụ bệnh nhân.
Từ năm 1903 đến 1945 đã có 21 y, bác sỹ làm quản đốc nhà thương là:
1Bác sĩ Sarailhe 1903 - 190812Bác sĩ  Marchive 1924
2Bác sĩ  Barbefieux 1908-192013Bác sĩ Pujat 1925
3Bác sĩ  Casaux 192014Bác sĩ Aujier 1926
4Bác sĩ  Vallet 191115Bác sĩ  Escale 1927 - 1928
5Bác sĩ  Casaux 1912 - 191316Bác sĩ  Théron 1928-1930
6Bác sĩ   Sureau 191417Bác sĩ  Tournier 1930
7Bác sĩ  Hoàng Gia Hồi 1915 - 191718Bác sĩ  Hoàng Thúy Ba 1930
8Bác sĩ  Đỗ Uông 1918 - 191819Bác sĩ   Vittore 1930 - 1932
9Bác sĩ   D' Alamberlde Serillac 1920 - 192320Bác sĩ  Vũ Ngọc Anh 1932 - 1945
10Bác sĩ  Keller 192321Y sĩ Trần Lâm Bảo 4 - 1945
11Bác sĩ   Bourgin 192322
Trong các bác sỹ được bổ nhiệm về làm quản đốc Nhà thương tỉnh lỵ Thái Bình, người đầu tiên là Bác sỹ hạng nhất Sarrailhe, một sỹ quan quân đội thuộc địa Pháp làm việc từ 1903-1908. Ông là người có công tư vấn giúp công sứ Pháp ở Thái Bình trong việc tổ chức xây dựng Nhà thương Thái Bình, được Chính phủ Đông Dương chụp ảnh tuyên truyền khắp ba nước Đông Dương từ năm 1907.
Bác sỹ Vũ Ngọc Anh, người Việt Nam, quê ở tỉnh Nam Định được đào tạo ở  Pháp, giỏi cả chuyên môn nội - ngoại. Ông là quản đốc lâu nhất từ năm 1932 đến tháng 4 năm 1945. Khi Nhật đảo chính Pháp, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Y tế dân sinh và mất do máy bay địch ném bom trên đường đi công tác.
Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong tỉnh, từ năm 1920-1927, Nhà thương đã thành lập một đội y tế lưu động do một y sỹ Đông Dương phụ trách. Hằng năm, đội y tế này thường về các phủ, huyện và các vùng nông thôn từ 3-4 tháng để chữa bệnh mắt hột cho dân; đồng thời, tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh, lợi ích của việc chữa bệnh bằng y học phương tây. Nhờ đó nhân dân đã nhận thức được lợi ích của việc chữa bệnh theo phương pháp tây y và vai trò của Nhà thương tỉnh lỵ đối với việc chăm sóc sức khỏe của cộng đồng. Các địa phương đã làm đơn gửi lên cấp trên xin mở thêm các cơ sở khám chữa bệnh, nhà hộ sinh ở các phủ, huyện.
Đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, lần lượt các cơ sở y tế tuyến huyện được thành lập:
 Năm 1925, cơ sở khám chữa bệnh được thành lập ở Ô Mễ, Tân Phong, thuộc huyện Vũ Tiên, cách tỉnh lỵ 6 km (nay là huyện Vũ Thư). Đến năm 1932, cơ sở này đã nâng cấp thành Bệnh xá, nhà hộ sinh.
Ở phủ Kiến Xương, cách tỉnh lỵ 10km, cách huyện lỵ 2km, tại thôn Kinh Nhuế, xã Hòa Bình đã thiết lập một bệnh xá, nhà hộ sinh với 05 gian nhà gạch, trong đó 01 gian làm phòng khám bệnh, 01 gian dành cho bà đỡ, 03 gian dành cho sản phụ với 5 giường và một giường cho nữ y tá. Số nhân viên có 03 người : 01 cô đỡ, 01 y tá, 01 người phục vụ (cu ly).
- Ở phủ Tiên Hưng, bà Vũ Thị Duyệt quê ở làng Phú Nông đã hiến tặng một căn nhà gạch để dùng vào việc khám bệnh và làm nhà hộ sinh.
- Huyện Tiền Hải, cách tỉnh lỵ 22km, ở xã Tây Sơn, nay là thị trấn Tiền Hải, năm 1931 thành lập một bệnh xá gồm 02 gian nhà: 01 gian để khám chữa bệnh và 01 gian làm nơi nghỉ của y tá.
- Huyện Thụy Anh, tại làng Hổ Đội thuộc xã Thụy Lương, cách tỉnh lỵ 30 km, năm 1926 đã xây dựng một nhà hộ sinh, một bệnh xá với một nhà ngói năm gian: 01 gian dành cho khám bệnh, 01 gian dành cho sản phụ với 12 giường, 03 gian sử dụng làm thuốc. Ngoài ra còn xây dựng một nhà dành riêng cho y tá và y sỹ Đông Dương. Nhân viên gồm 04 người: 01 y sỹ Đông Dương, 01 y tá, 01 nữ hộ sinh Đông Dương, 01 nhân viên phục vụ.
- Huyện Quỳnh Côi, tại Bến Hiệp (thuộc xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ) cách tỉnh lỵ 30 km, năm 1931 đã xây dựng được một bệnh xá trên nền đất cũ của Sở công chính, gồm 05 gian nhà gỗ lợp ngói, vừa là nơi khám bệnh, vừa là chỗ ở cho y tá và người phục vụ.
- Huyện Duyên Hà, cách tỉnh lỵ 23 km, cũng thiết lập một bệnh xá thuộc xã Minh Khai nay là thị trấn Hưng Hà, gồm 3 gian nhà, vừa là nơi khám chữa bệnh, vừa là nơi ở của y tá và người phục vụ. Nhân viên có một y tá, một người phục vụ.
- Huyện Hưng Nhân, tại xã Phú Sơn (nay là thị trấn Hưng Nhân) cách tỉnh lỵ 35km, thiết lập một bệnh xá có hai gian nhà gạch: một gian làm phòng khám bệnh, một gian làm nơi ở của y tá và người phục vụ. Nhân viên có một y tá và một người phục vụ.
Về hoạt động khám chữa bệnh: Từ năm 1929 trở về trước, Nhà thương khám chữa bệnh không thu tiền. Tuy nhiên, các trang thiết bị chuyên môn, các đồ dùng của bệnh nhân lâu ngày bị xuống cấp nên nhiều người dân, nhất là những người thuộc diện khá giả cho rằng Nhà thương chỉ là nơi làm phúc, chữa bệnh không ra gì. Những người giàu không muốn nằm chung phòng bệnh với những người nghèo, do đó khi có bệnh, người giàu thường tìm đến các cơ sở chữa tư. Vì vậy, số bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Nhà thương ngày một giảm đi.
Trước tình hình đó, từ năm 1930, Nhà thương đặt ra hai chế độ khám chữa bệnh: một chế độ không thu tiền dành cho người nghèo và một chế độ khám chữa bệnh thu tiền dành cho người giàu: giá khám bệnh 5 hào/lần. Riêng đối với bệnh nhân điều trị nội trú cũng quy định thành hai mức: một mức là 6 hào/ngày và một mức 3 hào/ngày. Năm 1931, Nhà thương dành 27 giường phục vụ cho bệnh nhân có thu tiền, chiếm tỷ lệ 21% so với tổng số giường bệnh. Việc khám chữa bệnh có thu tiền được tiến hành ở hai nơi trong tỉnh: Bệnh viện tỉnh lỵ và bệnh xá nhà hộ sinh Diêm Điền. Giờ khám bệnh được quy định chung, mỗi ngày khám từ 7h30 đến 10h30 (trừ chủ nhật và ngày lễ). Từ đó, số người đến khám bệnh điều trị nội trú ngày một tăng. Với số giường của Nhà thương có hạn, để tiết kiệm cho công quỹ, những bệnh nhân bệnh nhẹ, Nhà thương cấp thuốc về điều trị tại nhà, những bệnh nhân bệnh nặng mới được vào nằm tại phòng bệnh. Hằng ngày, bác sỹ quản đốc nhà thương thường đến phòng bệnh một lần để khám cho các bệnh nhân nặng, bệnh nhân cấp cứu, còn lại việc khám bệnh và ra y lệnh  do các y sỹ Đông Dương thực hiện, có y tá trưởng và y tá điều trị đi theo để ghi chép và nhận các y lệnh phục vụ với từng người bệnh. Nguồn kinh phí của Nhà thương ngày một tăng lên rõ rệt. Trong hai năm (1931 – 1932), tổng số tiền thu được là 2032 hào, 64 xu. Số tiền thu được dành cho việc đầu tư mua sắm các trang thiết bị của các phòng bệnh.
Theo số liệu thống kê khám chữa bệnh của Nhà thương tỉnh lỵ Thái Bình còn lưu trữ từ năm 1906 đến năm 1931  gồm: các lần khám bệnh tại các bệnh xá Diêm Điền, Kinh Nhuế, Tiền Hải, Bến Hiệp, Duyên Hà, Mỹ Đại và bệnh viện Thái Bình.
BẢNG SỐ LIỆU THỐNG KÊ LẦN KHÁM BỆNH KHÔNG PHẢI TRẢ TIỀN VÀ SỐ NGƯỜI NẰM ĐIỀU TRỊ NỘI TRÚTẠI BỆNH VIỆN
Năm
Số người khám bệnh
Số lần khám bệnh
Số lượt người nằm điều trị
Số ngày nằm điều trị
1906
172
1.376
1.871

1907
307
2.456
1.261

1908
562
6.058
1.520
33.421
1909
1.224
11.061
1.732
37.016
1910
2.591
26.000
2.029
43.216
1911
4.593
13.564
2.204
41.706
1912
7.341
20.245
2.129
38.144
1913
16.404
34.578
2.358
42.236
1914
34.792
66.258
2.659
41.239
1915
23.134
44.625
2.111
31.378
1916
26.919
54.214
1.940
28.843
1917
26.635
29.325
2.256
34.383
1918
22.262
62.508
2.335
25.862
1919
25.068
61.965
2.202
36.248
1920
36.644
80.253
1.925
33.142
1921
29.849
77.622
2.083
38.124
1922
33.648
116.509
1.708
31.569
1923
27.689
65.258
1.804
37.026
1924
22.676
42.159
2.041
46.775
1925
18.010
39.867
1.490
43.605
1926
12.393
34.894
1.988
42.992
1927
50.834
90.862
2.202
38.005
1928
62.279
96.867
2.425
38.278
1929
68.929
102.165
2.725
36.776
1930
61.694
103.439
2.943
35.626
1931
106.985
165.595
2.967
34.623
Theo số liệu tổng hợp, số người đến khám ở Nhà thương tỉnh lỵ phổ biến là các loại bệnh: đường ruột do giun sán, bệnh đau mắt hột, các chứng đau bụng do không tiêu, các bệnh kiết lỵ, ỉa chảy, bệnh sốt rét, các bệnh u loét, bệnh đườnghô hấp, bệnh suy dinh dưỡng trẻ em.
Những người đi phu từ Nam Kỳ, Cao Miên, Tân Đảo và từ miền Thượng Du Bắc Kỳ trở về thường mắc sốt rét, đây là một loại bệnh rất nguy hiểm, dễ gây tử vong. Ngoài ra, bệnh u loét, bệnh giun, bệnh thiếu máu do sán dây, giun kim, bệnh suy dinh dưỡng trẻ em, bệnh còi xương, bệnh lao, bệnh mắt hột và các biến chứng của nó rất phổ biến trong nhân dân. Nguyên nhân do khâu ăn ở, vệ sinh kém, ở vùng nông thôn, người dân chủ yếu ăn nước ao tù, sông ngòi, nơi ở chật chội, ẩm thấp. Ở tỉnh lỵ, chưa có nước sạch, người dân ăn nước mưa, nước sông Trà Lý. Các bệnh truyền nhiễm thường xuyên hoành hành từ năm này qua năm khác. Trong 2 năm (1944-1945), toàn tỉnh đã xảy ra ba vụ dịch lớn: Dịch sốt phát ban (sốt chấy rận), dịch tả (Cholera), dịch sốt hồi quy khiến nhiều người tử vong, trong đó có cả nhân viên Nhà thương tỉnh lỵ.
Việc khám chữa bệnh cho người châu Âu khi thì khám tại nhà thương, khi thì khám tại nhà riêng. Nhà thương tỉnh lỵ Thái Bình không có người châu Âu vào nằm điều trị; các trường hợp mắc bệnh nặng, bệnh nhân được chuyển về điều trị, chạy chữa tại Hà Nội.
Bảng thống kê số bệnh nhân người châu Âu khám bệnh (1919-1931)
Năm
Số bệnh nhân
Số lần khám
Năm
Số bệnh nhân
Số lần khám
1919
79
282
1926
40
241
1920
67
314
1927
92
242
1921
36
121
1928
60
189
1922
41
145
1929
75
207
1923
80
450
1930
72
170
1924
22
144
1931
87
328
1925
31
180



Từ năm 1940 đến năm 1945, phòng khám không thu tiền do y sỹ Nguyễn Đức Chỉnh phụ trách, giúp việc có y tá Nguyễn Thị Tịnh. Phòng khám bệnh thu tiền do y sỹ Trần Lâm Bảo phụ trách, giúp việc và trực tiếp thu tiền do y tá trưởng Trần Mai Khoa. Phụ trách phòng khám do y tá trưởng Trần Quốc Bản. Thực hiện các phẫu thuật do bác sỹ Vũ Ngọc Anh, trợ thủ có y sỹ Nguyễn Đức Chính, Trần Lâm Bảo, Nguyễn Huy Sinh. Trông coi phòng mổ, hấp sấy dụng cụ, đưa dụng cụ có y tá Trần Văn Thiều và y tá Vũ Văn Khoát. Phụ trách phòng sản là các nữ hộ sinh Đông Dương: Nguyễn Thị Nhung và Nguyễn Thị Trung.
Bộ phận dược của Nhà thương thời kỳ đầu có dược sỹ trung cấp phụ trách (dược sỹ hạng nhất Phạm Cao Phan, dược sỹ hạng nhì Trần Văn Tâm); từ năm 1932-1945, công tác dược của nhà thương do dược sỹ Đông Dương phụ trách. Bộ phận dược ngoài việc quản lý, cấp phát thuốc, còn pha chế được huyết thanh, thuốc tiêm như Cafein, long não, urotropine, Atropin, các loại thuốc nước, thuốc mỡ dùng ngoài da và tra mắt. Vào thời điểm đó, nhiều bệnh không có thuốc đặc trị, chưa có thuốc kháng sinh tiêm. Nhà thương chỉ có một số ít thuốc Sulphamide, Ganidan, Streptomicinxếp vào loại quý hiếm được bảo quản chặt chẽ. Ngoài ra còn sử dụng một số loại muối bạc dưới dạng dung dịch tiêm như: Electragol, septicemine, Pentol; các loại muối vàng như: Myocresine Krabine; các loại có thạch tín như: Acetylarsan, novarsenobenzol...
Nhà thương chưa có máy Xquang, chỉ có khoảng vài ba kính hiển vi làm các xét nghiệm thông thường: máu đông, máu chảy, công thức máu; xét nghiệm phân, đờm, nước tiểu. Khi cần làm các xét nghiệm Serumdiagnostic: Widal, Weil-Fenic phải lấy huyết thanh của bệnh nhân đóng ống hàn kín gửi qua Bưu điện lên viện Pasteur Hà Nội thực hiện.
Chế độ ăn uống của các bệnh nhân đều do nhà thầu đảm nhiệm. Nhà thương chỉ thống nhất với nhà thầu một số chế độ ăn của người ốm. Hàng ngày, nhà thương báo các suất ăn của bệnh nhân không phải trả tiền và thanh toán trực tiếp cho nhà thầu. Còn suất ăn của công chức, của bệnh nhân phải trả tiền thì người nhà bệnh nhân thanh toán trực tiếp với nhà thầu.
Bên cạnh Nhà thương của tỉnh lỵ, trong tỉnh còn có các bệnh xá, nhà hộ sinh của các phủ huyện. Ngoài ra còn có Trại Dưỡng Tế Văn Môn, cách tỉnh lỵ 15km, nhà Tương tế Xanh-đô-dép dành cho người già, cô đơn, người tàn tật được thành lập từ năm 1903 do bà Phước dòng Xanh-pon-xác-tơ-ri trông coi. Đội ngũ cô đỡ của các bệnh xá, nhà hộ sinh do Nhà thương tỉnh lỵ đào tạo, quản lý và trả lương. Hằng tháng, bác sỹ quản đốc Nhà thương tỉnh lỵ tiến hành kiểm tra nhà Tương tế, Trại Phong Văn Môn, các nhà lao, các bệnh xá, nhà hộ sinh của các phủ huyện; đội ngũ cô đỡ trong toàn tỉnh là 60 người, mỗi người phải đỡ đẻ 15 ca/tháng mới được trả lương. Trường hợp những bệnh nhân nặng, không chữa được ở bệnh xá, nhà hộ sinh phủ huyện phải chuyển về chữa ở Nhà thương tỉnh lỵ. Bệnh nhân ở các nhà lao điều trị tại Nhà thương phải được canh phòng cẩn mật.
Hằng năm, cứ đến kỳ khai giảng năm học mới, tất cả các học sinh ở tỉnh lỵ đều được kiểm tra sức khoẻ và lập phiếu theo dõi. Những học sinh sức khỏe yếu hay đang bị bệnh đều phải nghỉ học để điều trị đến khi khỏi bệnh mới được đến trường. Hằng ngày, những học sinh bị ốm cũng được ghi vào sổ để cấp phát thuốc để chữa bệnh.
3. Nhà thương Thái Bình - một cơ sở cách mạng
Ngày 03 - 02 - 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Đảng ra đời đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh cách mạng trong cả nước nói chung, Thái Bình nói riêng. Ngày 30 - 4 -1930, đồng chí Nguyễn Thị Hiếu, cán bộ của Tỉnh ủy đã cải trang mang cờ, truyền đơn, khẩu hiệu vào Nhà thương và Chợ Bo. Đêm ngày 30-4, truyền đơn, khẩu hiệu được rải ở nhiều nơi trong thị xã. Cờ đỏ búa liềm xuất hiện, 01 lá cờ lớn được treo trên cổng trường xây dựng Môngguyô (khu vực trước Nhà thờ - thành phố Thái Bình hiện nay), 01 lá cờ treo trước cửa Nhà Thương (nay là sân khu nhà 4 tầng – đường Lê Lợi, thành phố Thái Bình) và 01 lá cờ treo ở vườn hoa Thị xã (nay là phường Đề Thám – thành phố Thái Bình).
Sau các cao trào đấu tranh 1930-1931; 1936-1939, Đảng ta tích cực chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giành chính quyền cách mạng. Ngày 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra lện Tổng khởi nghĩa. Chỉ trong vòng 06 ngày (18-8 đến ngày 23-8-1945), chính quyền từ tỉnh, huyện đến các làng, xã đã về tay nhân dân. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà thương chính thức đi vào hoạt động dưới sự chỉ đạo của chính quyền cách mạng. Cùng với ngành Y tế của tỉnh, Nhà thương thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ của dân tộc.

Nhận xét